Di sản Tháp Bà Ponagar là trung tâm của tín ngưỡng của tỉnh Khánh Hòa, đây cũng là một trong những biểu tượng du lịch được du khách thập phương tìm đến.
Theo các nhà nghiên cứu di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar là nơi tụ hội nhiều điểm giao thoa văn hóa đặc biệt. Trong đó, quần thể di tích Tháp Bà Ponagar có đền tháp thờ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar của người Chăm và Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt.
Tỉnh Khánh Hòa có trên 200 di tích thờ và phối thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trong đó di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Về mặt kiến trúc đây là quần thể duy nhất của cả nước cơ bản còn nguyên vẹn với 5 công trình kiến trúc mang những sắc thái khác nhau của vương quốc cổ Chămpa.
PGS.TS Ngô Văn Doanh - nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ: “Có thể nói, hiếm có một di tích kiến trúc Chămpa còn lại nào hiện bao chứa trong mình nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như ở Tháp Bà. Vì vậy, sau di sản thế giới Mỹ Sơn ở Quảng Nam, những công trình kiến trúc của Tháp Bà đang và sẽ là những di sản lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của đất nước Việt Nam”.
Tại hội thảo phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào tháng 4.2024, các nhà khoa học đánh giá cao những nét tiêu biểu tụ hội ở đây. Trong đó nổi bật là không gian cảnh quan đẹp, kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn với 4 tòa tháp, khu vực Mandapa với 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài.
Ở đây còn lưu giữ tượng nữ thần Ponagar bằng đá duy nhất ở nước ta, phù điêu hình lá đề “Shiva múa” ở tháp Đông Bắc... Đây là những yếu tố để di tích Tháp Bà Ponagar được đề nghị là di tích Quốc gia đặc biệt đầu tiên của Khánh Hòa.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cộng sinh tôn giáo ở Tháp Bà Ponaga cũng là nét tiêu biểu, điểm khác biệt so với các di tích khác.
Sự cộng sinh tôn giáo ở Tháp Bà Ponagar thể hiện ở việc bài trí và thực hành nghi lễ của người Chăm và Việt đồng thời tại di tích này. Trong khu di tích, tại tháp chính, ở bên trong, bên cạnh tượng linh ga yoni của người Chăm là tượng Mẫu của người Việt được xây dựng và cũng tồn tại bên nhau. Điều này thu hút đông đảo người đi lễ, thăm viếng, hấp dẫn của du lịch tại địa điểm này có phần nổi trội hơn.
Để khai thác giá trị quần thể Tháp Bà Ponagar với tư cách là nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch bền vững, GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: cần thực hiện quy hoạch không gian tổ chức lễ hội một cách bài bản, rõ ràng đảm bảo tính trang nghiêm, linh thiêng.
Đồng thời, cân đối hài hòa việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng các dân tộc, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái trong quá trình phát triển du lịch. Việc tu bổ, tôn tạo di tích phải đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc.
Bên cạnh đó đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với di tích và lễ hội Tháp Bà Ponagar, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để từ đó tạo thêm sức hấp dẫn văn hóa riêng ở đây với du khách trong và ngoài nước.
Phương Linh
https://dulich.laodong.vn/tin-tuc/de-di-san-phat-trien-cung-du-lich-ben-vung-o-khanh-hoa-1347448.html