Thúc đẩy ngành du lịch “xứ trầm, biển yến” bứt phá-Bài 3: Chuyển đổi để tăng tốc (Tiếp theo và hết) 12/01/2024   777

Chuyển đổi số - yếu tố then chốt trong quảng bá du lịch

Xác định chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, từ Trung ương đến địa phương đã có những văn bản quy định về đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch. Ngày 31-3-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, lĩnh vực du lịch được định hướng phát triển theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước và trong chuyến đi. Xây dựng mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát động và thu hút làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư phục vụ du lịch, phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu về du lịch.

 Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế tỉnh Khánh Hòa. (Trong ảnh: Một góc thành phố biển Nha Trang).

Tại Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19-10-2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định, lĩnh vực du lịch là một trong 7 lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi số của tỉnh, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo bước đột phá, thay đổi phương thức quản lý, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành lĩnh vực du lịch; tạo lập môi trường để các doanh nghiệp du lịch có thể chia sẻ liên kết, cung cấp các dịch vụ ngày càng đa dạng, hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá du lịch, theo ông Lê Xuân Thơm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng, du lịch Khánh Hòa muốn phát triển cần mở rộng thị trường để đa dạng nguồn khách. Để làm được điều này cần chú trọng đầu tư hoạt động truyền thông, có bộ phận chuyên trách sản xuất các video, bài viết chuyên sâu được dịch ra nhiều thứ tiếng, quảng cáo trên nhiều nền tảng mạng xã hội để quảng bá văn hóa, nét đẹp thiên nhiên của địa phương. Mặt khác, cần chú trọng công tác quản lý, kiểm tra, bảo đảm chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của tỉnh; xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo dịch vụ sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch Khánh Hòa.

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững      

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tỉnh Khánh Hòa còn rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường nhằm khai thác hiệu quả lợi thế từ biển, góp phần phát triển bền vững ngành du lịch địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, kết hợp giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường tại các doanh nghiệp du lịch nhằm lan tỏa ra cộng đồng ý thức làm du lịch có trách nhiệm. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường trong khối kinh doanh du lịch của tỉnh được nâng lên. Nhiều khu du lịch, khách sạn đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; phân loại rác trước khi xả ra môi trường; thường xuyên làm sạch bãi biển, trồng mới hệ thống cây xanh, sân vườn, tạo môi trường trong lành, cảnh quan sạch, đẹp.

Hằng năm, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường, có biện pháp nhắc nhở, xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định. Ngoài ra, Sở Du lịch còn tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn tại TP Nha Trang, TP Cam Ranh, huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa về bảo vệ môi trường cho đội ngũ những người làm du lịch; tích cực tổ chức các sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường như: Lễ ra quân vì môi trường du lịch xanh-sạch-đẹp; cuộc thi ý tưởng về chống rác thải nhựa; phát động Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”...

Những biện pháp quyết liệt của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã mang lại kết quả bước đầu tích cực. Đến nay đã có hơn 70% các cơ sở lưu trú du lịch từ 4 đến 5 sao và tương đương dần thay thế những sản phẩm nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường để phục vụ khách du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch 3 sao cũng đang tích cực thay đổi một số vật dụng thân thiện với môi trường như: Ống hút giấy, ly giấy trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường, người đứng đầu ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất các trường học có đào tạo lĩnh vực du lịch như: Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Đại học Nha Trang, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để chuẩn hóa đầu ra, tập trung dạy nghề theo đặt hàng của các doanh nghiệp, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. 

Để hoạt động du lịch phát triển hiệu quả thì việc kết nối giao thông, tăng năng suất hoạt động của sân bay, cảng biển là yêu cầu bắt buộc. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết: “Thời gian tới, cần phát triển du lịch Khánh Hòa gắn kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đầu tư mở rộng nhà ga hành khách, ga hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; xây dựng cảng Nha Trang trở thành cảng biển du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút và mở rộng quy mô các cảng hàng hóa, có cơ chế chính sách đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong để phát triển du lịch”.